Hành trạng Triệu_Cơ

Ở nước Triệu

Tuy không ghi lại nhiều về thân thế, song Sử ký Tư Mã Thiên, lẫn Tư trị thông giám đều nhìn nhận bà múa hay và nhan sắc cực kỳ đẹp[4][5]. Khi đó, cháu của Tần Chiêu Tương vươngTần công tử Dị Nhân, làm con tin ở nước Triệu nghèo khó khốn cùng. Một lần, Dị Nhân sang nhà Bất Vi, nhìn thấy nhan sắc của "Lã Bất Vi cơ" mà đem lòng say mê. Lã Bất Vi thấy vậy bèn dâng nàng cho Dị Nhân. Lã Bất Vi ra tay cứu giúp con tin nước Tần, nghĩ cách đưa Công tử Dị Nhân về Tần quốc. Ông hối lộ vợ cả của An Quốc quânHoa Dương phu nhân nhận Dị Nhân làm con nuôi, trở thành người thừa tử của An Quốc quân và từ đó mới đổi tên thành [Tử Sở].

Ít lâu sau Triệu Cơ phát hiện mang thai. Năm Tần Chiêu Tương vương thứ 48 (259 TCN), tháng giêng, sau khi mang thai 10 tháng, Triệu Cơ sinh ra Doanh Chính, đương thời hay gọi [Triệu Chính; 趙政] do ông sinh ra ở nước Triệu. Sau khi Triệu Cơ sinh ra Doanh Chính, Dị Nhân lập bà làm Phu nhân[6].

Các sử gia vẫn luôn tranh cãi về việc Doanh Chính là con của Lã Bất Vi[7] hay Dị Nhân,[8][9] vì không loại trừ khả năng Triệu Cơ đã có thai với Lã Bất Vi từ trước. Tuy nhiên, học giả đời nhà ThanhLương Ngọc Thằng (梁玉繩) cho rằng ở đây có điểm đáng ngờ. Căn cứ nguyên văn mà Tư Mã Thiên chép trong Sử ký về việc Triệu Cơ sinh hạ, có ghi: ["Cơ tự nặc hữu thân, chí đại kỳ thời, sinh tử Chính"; 姬自匿有身,至大期時,生子政]. Trong đó, "Đại kỳ" một từ là chỉ ý việc phụ nữ đủ tháng sinh nở thời cổ, ám chỉ việc Triệu Cơ cùng Doanh Dị Nhân sau khi chung chạ thì mang thai, xác thực Triệu Cơ sau khi mang thai 10 tháng mới sinh ra Doanh Chính. Mà cũng trong Sử ký, phần Tần Thủy Hoàng bản kỷ, đặc biệt ghi rõ Doanh Chính là vào "Tần Chiêu vương năm thứ 48, tháng giêng sinh ra ở Hàm Đan", căn cứ tài liệu biên thành của Tần triều, đều có khảo chứng. Lương Ngọc Thằng chỉ ra rằng, Tư Mã Thiên đem cả hai cụm từ rất mâu thuẫn là [Tự nặc hữu thân; ý là "đang có thai"] cùng [Đại kỳ; ám chỉ "sau khi chung chạ mới có thai"] để chung trong một câu như vầy, là một loại bút pháp Xuân Thu, ám chỉ tin đồn rất phổ biến khi ấy là Triệu Cơ có thai trước khi hầu ngủ Doanh Dị Nhân nhưng không tiện phủ nhận. Rất có thể, Doanh Chính thật sự là con của Doanh Dị Nhân.

Năm (257 TCN), năm thứ 50 đời Tần Chiêu Tương vương, nước Tần sai Vương Ý vây Hàm Đan rất gấp, đó là Trận Hàm Đan. Nước Triệu muốn giết Doanh Tử Sở, nhưng Tử Sở cùng Lã Bất Vi mưu đưa sáu trăm cân vàng cho kẻ coi giữ nên trốn thoát về Tần. Triệu vương sau đó muốn giết Triệu Cơ và Doanh Chính, nhưng Triệu Cơ là con nhà tai mắt ở Triệu, lẩn trốn được vì thế mẹ con đều sống.

Về nước Tần

Năm 256 TCN, năm Tần Chiêu Tương vương thứ 56, Tần vương mất, An Quốc quân lên làm Vương, lập Hoa Dương phu nhân làm Vương hậu, Tử Sở làm Thái tử. Sau thời gian khốn khó ở Triệu, Triệu Cơ cùng con Doanh Chính được Tử Sở cho đón về nước Tần. Do trong thời gian 6 năm chia cách, Tử Sở không rõ hai mẹ con còn sống hay chết, đã nghênh thú một phụ nữ nước Hàn làm phu nhân và sinh ra Trường An quân Thành Kiểu[10]. Vua Tần lên ngôi được 3 ngày thì mất, Thái tử Tử Sở lên thay, tức là Tần Trang Tương vương, lập Triệu Cơ làm Vương hậu, Doanh Chính làm Thái tử, tôn mẹ cả Hoa Dương hậu làm Hoa Dương Thái hậu, mẹ đẻ Hạ Cơ làm Hạ Thái hậu.

Trang Tương vương làm Quốc vương được 3 năm thì mất, Thái tử Doanh Chính năm ấy 13 tuổi lên ngôi Tần vương, Triệu Cơ trở thành Thái hậu. Do không rõ họ bà là gì, cũng như không có biệt hiệu như Hoa Dương Thái hậu, nên Sử ký chỉ gọi bà là 「Thủy Hoàng đế mẫu Thái hậu; 始皇帝母太后」 hay 「Mẫu Thái hậu; 母太后」. Lã Bất Vi trở thành Tướng quốc, xưng gọi [Trọng phụ; 仲父]. Khi Tần vương Doanh Chính còn nhỏ tuổi, Thái hậu vốn tính "dâm đãng phóng túng"[11], muốn nối lại tình xưa nên thường xuyên lén lút tư thông với Lã Bất Vi. Về sau Tần vương đã lớn, Lã Bất Vi sợ lộ sẽ mang vạ, bèn ngầm tìm kẻ dương vật lớn là Lao Ái, dùng làm người nhà[12]. Lã Bất Vi sai Lao Ái làm trò vui, lấy dương vật của mình tra vào bánh xe gỗ đồng mà đi. Thái hậu Triệu Cơ nghe thấy muốn được Lao Ái cho riêng mình, Lã Bất Vi bèn cho Lao Ái giả làm hoạn quan rồi đem dâng cho Thái hậu. Từ đó Triệu Cơ cùng Lao Ái thông dâm, sinh được hai con[12]. Lao Ái đem hai đứa con đi giấu, định lập mưu đợi Tần vương chết thì lập con hắn làm vua[12].

Năm 239 TCN, năm thứ 8 đời Tần vương Chính, em trai của Tần vương là Thành Kiểu sang nhờ nước Triệu, tính làm phản lật đổ anh mình. Lao Ái bình loạn có công, phong Trường Tín hầu (長信侯), ban cho thực ấp ở quận Sơn Dương (山陽郡; nay là phía Đông Nam của Tiêu Tác, Hà Nam). Sau đó chưa đủ, Tần vương Chính còn ban cho Lao Ái hay quận Hà Tây và Thái Nguyên làm phong điền[13].

Năm 238 TCN, tức năm thứ 9 đời Tần vương Chính, có kẻ phát giác Lao Ái thực không phải là hoạn quan và thường thông dâm với Thái hậu. Tần vương Chính liền giao cho pháp đình xét, biết rõ sự tình và biết được Lao Ái còn có ý mưu phản. Khi biết sự tình bại lộ, Lao Ái giả truyền ý chỉ của Thái hậu mà tập hợp thuộc hạ quyết định làm binh biến, vây hãm Kỳ Niên cung (蘄年宮), Tần vương Chính phải dùng Xương Bình quân cùng Xương Văn quân bình định. Tháng 9 năm đó, Tần vương Chính giết cả ba họ nhà Lao Ái, dùng ngũ mã phanh thây. Hai con do Thái hậu đẻ ra, Tần vương Chính cho người bọc trong bao bố rồi dùng gậy đánh cho đến chết[14][15].

Giam lỏng

Thái hậu Triệu Cơ bị cưỡng ép sang giam lỏng tại thành Ung (雍; nay là huyện Phượng Tường tỉnh Thiểm Tây). Nhiều người vì nghĩ đến hiếu đạo của Tần vương mà khuyên nhủ, không may lòng căm hận của ông đối với mẹ chưa nguôi ngoai, nên những người ấy đều bị Tần vương trút giận bằng cách ra lệnh trừng phạt hết thảy.

Người nước Tề là Mao Tiêu (茅焦) sau đó can gián, vì nghĩ đến thanh danh Tần vương, trừng phạt mẹ đẻ sẽ khiến thiên hạ oán trách, khó có thể làm người trong thiên hạ tin phục, bên cạnh đó giết hại người dám gián ngôn còn khiến người sĩ phu lạnh tâm, không còn hăng hái phục vụ Tần vương nữa. Cuối cùng, Doanh Chính tiếp thu ý của Mao Tiêu, cho hậu táng tất cả những đại thần vì can gián mà bị giết. Tháng 10 năm thứ 10, sau khi cách chức Lã Bất Vi, Tần vương Doanh Chính đích thân suất lĩnh đoàn xe, sang Ung đón Thái hậu Triệu Cơ về Hàm Dương và cho định cư tại Cam Tuyền cung (甘泉宮), từ đó tình mẫu tử khôi phục. Mao Tiêu do đó được bái làm Thượng khanh[16]. Còn về Lã Bất Vi, sau khi bị bãi chức thì ông bị ép trở về quê nhà[15]. Ngày Lã Bất Vi tiếp chỉ, quan viên lén lút ra đầu hẻm đưa tiễn, Doanh Chính tức giận lại ra một đạo chỉ dụ, ám chỉ Lã Công công cao lấn chủ, thế là Lã Bất Vi đành phải uống thuốc độc tự sát để tránh làm liên lụy người nhà, thọ 57 tuổi[16].

Năm thứ 19 đời Tần vương Chính (229 TCN), sau 6 năm Lã Bất Vi mất, Thái hậu Triệu Cơ mất, khi trên dưới 50 tuổi. Lúc này Doanh Chính còn là Tần vương nên bà cũng chỉ là Vương thái hậu. Về sau, khi Doanh Chính xưng làm Hoàng đế, ông đã truy phong cho mẹ mình là Đế Thái hậu (帝太后), hợp táng bà với Trang Tương vương ở Chỉ Dương[17].